Dự kiến đến năm 2025, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) sẽ đầu tư xây dựng khoảng 3.000 căn nhà ở xã hội, giai đoạn 2026-2030 sẽ xây dựng khoảng từ 10.000-15.000 căn nhà cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách thuê nhà ở xã hội.
Sáng 7.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai các luật, nghị quyết của kỳ họp thứ 6 và kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó có quy định Tổng LĐLĐVN là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH) bằng nguồn tài chính Công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách thuê NƠXH tại khoản 4 Điều 80.
Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, đây là quy định mới liên quan đến việc bảo đảm quyền lợi người lao động và trách nhiệm, vai trò tổ chức Công đoàn, góp phần giải quyết các khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách trong xây dựng các thiết chế Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Đồng thời đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong bối cảnh, tình hình mới.
Ngay sau khi luật được thông qua, Tổng LĐLĐVN đã triển khai nhiều hoạt động. Theo đó, đã tuyên truyền, phổ biến nội dung quy định của luật đến đội ngũ cán bộ công đoàn chủ chốt và thông qua kênh báo chí đến đoàn viên, người lao động nhằm nâng cao nhận thức, thống nhất hành động trong các cấp Công đoàn về vấn đề nhà ở cho công nhân.
Tổng LĐLĐVN đã chỉ đạo xây dựng quy trình đầu tư xây dựng nhà theo quy luật của pháp luật xây dựng và pháp luật đầu tư. Trong đó có yêu cầu bám sát nội dung mới của luật và các dự thảo nghị định của Bộ Xây dựng đang nghiên cứu để trình Chính phủ.
Tiếp đó đã chỉ đạo rà soát các địa phương giới thiệu địa điểm đất cho Tổng LĐLĐVN để tiến hành khảo sát nhu cầu thuê nhà của công nhân. Từ khi luật thông qua, đã triển khai khảo sát ở 4 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Tiền Giang và TP Hải Phòng.
Dự kiến trong quý II/2024, Tổng LĐLĐVN sẽ khảo sát tiếp ở 6 tỉnh. Sau quá trình khảo sát sẽ triển khai công tác lập quy hoạch chi tiết và thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, đầu tư và sau đầu tư.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Tổng LĐLĐVN đã xây dựng kế hoạch triển khai dự án xây dựng nhà ở theo giai đoạn đầu tư, hiện đang thực hiện ở các cơ quan cấp vụ. Dự kiến đến năm 2025, Tổng LĐLĐVN sẽ đầu tư xây dựng khoảng 3.000 căn NƠXH, giai đoạn 2026-2030 sẽ xây dựng khoảng từ 10.000-15.000 căn nhà.
Nội dung này sẽ được Đoàn Chủ tịch và Đảng đoàn Tổng LĐLĐVN sẽ cho ý kiến vào cuối tháng 4.
Thời gian qua, Tổng LĐLĐVN đã tích cực tham gia đề xuất hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản để đảm bảo tính phù hợp thống nhất với Luật Nhà ở.
Tổng LĐLĐVN đã tích cực tham gia hoàn thiện nghị định hướng dẫn thi hành luật, trong đó có nghị định liên quan đến khoản 4, điều 80 của vấn đề nhà lưu trú cho công nhân; xây dựng quy định phù hợp của Luật Công đoàn để đảm bảo nguồn lực thực hiện quy định này.
Cùng với đó, Tổng LĐLĐVN đang khẩn trương thực hiện dự án Luật Công đoàn, dự kiến trình và được Quốc hội thông qua trong năm 2024.
“Chúng tôi cũng xác định đây là luật về tổ chức chính trị – xã hội, một luật vốn đã khó thì trong bối cảnh mới càng khó hơn, đòi hỏi trong quá trình sửa luật phải giải quyết thấu đáo nhiều mối quan hệ, trong đó có những nội dung, vấn đề trở thành xung đột mâu thuẫn”, ông Ngọ Duy Hiểu nói và đề nghị các bộ ngành, các cơ quan của Quốc hội, các địa phương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, phối hợp hoàn thiện dự án luật.
Để thúc đẩy, sớm đưa luật vào cuộc sống, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đề nghị tiếp tục tổ chức các hội nghị tương tự, tăng cường sự giám sát của các cơ quan của Quốc hội, đáp ứng mong đợi của nhân dân.
Nguồn: Báo Lao Động
PHẠM ĐÔNG