Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, trong đó đề xuất nới lỏng một số điều kiện mua nhà.
Theo Luật Nhà ở năm 2014, người muốn mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội phải đáp ứng đủ ba điều kiện về nhà ở, cư trú, thu nhập. Đặc biệt, người mua bắt buộc phải có đăng ký thường trú tại địa phương nơi có nhà ở xã hội; nếu không thì phải có tạm trú từ một năm trở lên.
Theo ghi nhận thực tế, những điều kiện trên đã tạo ra nhiều rào cản đối với những đối tượng có nhu cầu mua nhà ở xã hội, đặc biệt là công nhân và nhóm người lao động có thu nhập thấp. Để nâng cao khả năng tiếp cận của người dân đối với phân khúc nhà ở này, mới đây Bộ Xây dựng đã có đề xuất Dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, trong đó có đề xuất nới lỏng điều kiện về thu nhập và cư trú.
Cụ thể, đối với điều kiện về thu nhập, dự thảo Nghị định quy định: Đối với các đối tượng quy định tại các khoản 5, 6, 7 và 8 Điều 76 của Luật Nhà ở thì phải đảm bảo điều kiện về thu nhập như sau: Có mức thu nhập bình quân hàng tháng của người đứng đơn và vợ hoặc chồng của người đó không quá 15 triệu đồng/tháng tính theo bảng tiền công, tiền lương do cơ quan, đơn vị nơi đối tượng làm việc xác nhận. Thời hạn xác định điều kiện về thu nhập trong 3 năm trước liền kề năm được xét mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Theo quy định hiện hành, người mua nhà ở xã hội phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân. Hiện ngưỡng chịu thuế thu nhập cá nhân là 11 triệu đồng/tháng.
Anh Nguyễn Hải Tuấn hiện đang làm công việc văn phòng ở một công ty xuất nhập khẩu tại Hà Nội với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Anh Tuấn chia sẻ, với mức lương cơ bản ấy mà vừa phải trang trải cuộc sống, trả tiền thuê nhà, vừa phải trả lãi ngân hàng thì thật sự là điều khá khó khăn. Nếu điều kiện về thu nhập được tăng lên thì bản thân anh sẽ có cơ hội nhiều hơn trong việc sở hữu căn nhà ở xã hội cho riêng mình.
Ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội nhận định, đề xuất nâng điều kiện về thu nhập cho đối tượng mua nhà ở xã hội của Bộ Xây dựng rất “đúng và trúng”. Bởi những quy định cũ đã khiến nhiều người gặp khó khăn trong việc tiếp cận với phân khúc nhà ở này. Việc nới lỏng điều kiện về thu nhập không chỉ giúp người dân “rộng cửa” hơn trong việc tiếp cận nguồn nhà ở xã hội mà còn tác động tích cực đến thị trường bất động sản, giúp thị trường khởi sắc và phát triển hơn.
Ngoài ra, đối với điều kiện về nhà ở, dự thảo Nghị định quy định: Trường hợp chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình được xác định khi đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 77 của Luật Nhà ở và vợ hoặc chồng của người đó chưa có tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án nhà ở xã hội đó.
Trong khi theo quy định hiện hành, người được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có nhà ở xã hội; trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố này.
Như vậy so với quy định hiện hành, dự thảo lần này bỏ tiêu chí về cư trú, vì đã là công dân Việt Nam thì chỉ cần có đủ điều kiện về thu nhập và nhà ở là được quyền mua nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, tiêu chuẩn về diện tích nhà ở bình quân theo quy định hiện hành là dưới 10m2 thì theo dự thảo nghị định được tăng lên mức dưới 15m2.
Chị Phạm Hồng Uyên quê ở Yên Bái đã làm giáo viên hợp đồng ở một trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội được 5 năm, chị Uyên chia sẻ: “Quê tôi ở Yên Bái. Tôi đã lên Hà Nội sinh sống, làm việc một thời gian và hiện đang có nhu cầu mua nhà ở xã hội để sử dụng. Tuy nhiên, khi đi đăng ký làm thủ tục giấy tờ, tôi mới biết là phải đăng ký thường trú tại đây. Nếu quy định này được thay đổi thì tôi sẽ có nhiều cơ hội mua nhà hơn.”
Theo ông Nguyễn Thế Điệp, việc Bộ Xây dựng đề xuất thay đổi điều kiện về cư trú cũng là một bước tiến đột phá. Bởi đa phần mọi người thường sinh sống tại địa phương mình làm việc. Việc bỏ điều kiện về thường trú, tạm trú sẽ thỏa mãn nhu cầu của người mua, tạo điều kiện cho nhiều người tiếp cận được hơn. Đây cũng là điều kiện thúc đẩy thị trường tốt, đúng với bản chất địa phương nào có nhiều lao động thì ở đó phát triển mạnh.
Ngoài những thay đổi đáng chú ý nêu trên, dự thảo Nghị định còn đề xuất loạt thay đổi về quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; về ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; về loại nhà và tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội; về xác định giá bán, giá cho thuê mua, giá cho thuê nhà ở xã hội; về trình tự, thủ tục bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội…
Nguồn: Báo Mới
Nguyễn Thanh Thảo