Lãnh đạo TP.HCM yêu cầu các đơn vị phối hợp, tăng cường chế độ hậu kiểm người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội để hạn chế phát sinh tiêu cực.

Vì sao siết quy trình xác định người mua nhà ở xã hội?

Thời gian qua, việc xác định điều kiện mua nhà ở xã hội của người lao động, công nhân là vấn đề được quan tâm. Để hạn chế phát sinh tiêu cực trong việc mua nhà ở xã hội, UBND TP.HCM đã quyết định ban hành quy chế phối hợp giữa các sở, ngành cùng UBND các quận huyện, TP.Thủ Đức trong việc cung cấp thông tin và chế độ hậu kiểm người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.

Được biết, quy chế này sẽ quy định nguyên tắc, phương thức phối hợp giữa Sở Xây dựng, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục thuế TP, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện.

Theo đó, lãnh đạo TP.HCM giao Sở Xây dựng là đơn vị chủ trì, chịu trách nhiệm xác định rõ nội dung cần lấy ý kiến, gửi đầy đủ hồ sơ và nêu rõ chính kiến. Các cơ quan khác có trách nhiệm phải trả lời đầy đủ, có chính kiến về các nội dung được yêu cầu.

Người lao động, công nhân mong được mua nhà ở xã hội. Ảnh: Trâm Hồng

Sở Xây dựng có trách nhiệm đăng tải thông tin về dự án nhà ở xã hội, danh sách các đối tượng dự kiến đã được giải quyết, dự kiến được giải quyết, đã được hưởng các chính sách trên cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng và gửi thông tin về Bộ Xây dựng, báo cáo ý kiến thống nhất việc tổ chức dữ liệu.

Trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ, Sở Xây dựng sẽ chuyển công văn, tài liệu liên quan đến các đơn vị để phối hợp xác minh, kiểm tra.

Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến phối hợp của các sở, ngành, Sở Xây dựng phải phản hồi cho chủ đầu tư nhà ở xã hội về danh sách người mua nhà ở xã hội được duyệt, cập nhật danh sách này trên cổng thông tin điện tử của đơn vị. Việc lấy ý kiến sử dụng hình thức công văn.

Trường hợp quá 10 ngày làm việc kể từ ngày phát hành công văn trên hệ thống thư điện tử TP, cơ quan được lấy ý kiến không trả lời bằng văn bản xem như đồng ý và chịu trách nhiệm về các nội dung có liên quan.

Một dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM. Ảnh: Trâm Hồng

Đáng chú ý, trường hợp có phản ánh, tố cáo về người mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng, Sở Xây dựng phải đề nghị Sở Tư pháp, Cục Thuế TP.HCM và các Cục Thuế ngoài địa bàn TP.HCM xác minh.

Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm cung cấp thông tin về việc sở hữu nhà, đất của người đăng ký mua nhà ở xã hội trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu.

Bên cạnh đó, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện có trách nhiệm xác nhận hoặc chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn xác nhận người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định. Sở Tài nguyên và Môi trường có ý kiến bằng văn bản gửi Sở Xây dựng trong thời hạn 10 ngày.

Đối với những trường hợp cần thiết, Cục Thuế TP.HCM phải cung cấp thông tin về thuế thu nhập cá nhân và Sở Tư pháp phải cung cấp thông tin mua bán nhà đất liên quan đến người mua nhà ở xã hội. Mỗi đơn vị này có thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ thông tin trên Hệ thống thư điện tử TP.HCM.

Trước đó, theo kế hoạch phát triển nhà ở TP.HCM, giai đoạn 2021 – 2025, và đề án “đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, giai đoạn 2021 – 2030” của Thủ tướng Chính phủ, TP.HCM đặt mục tiêu phát triển khoảng 26.200 – 35.000 căn nhà ở xã hội.

Theo kế hoạch, TP.HCM sẽ đưa vào kế hoạch triển khai 37 dự án. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, khó khăn, đến thời điểm hiện tại, chỉ có 1 dự án được hoàn thành. Ngoài ra, 36 dự án còn lại có 6 dự án đang thi công và 30 dự án hoàn tất thủ tục pháp lý.

TRÂM HÔNG – THẾ GIỚI TIẾP THỊ