Luật Đất đai, Kinh doanh Bất động sản và Nhà ở (sửa đổi) đã chính thức có hiệu lực từ 1/8, tháo gỡ nhiều khó khăn với nhà ở xã hội và nới nhiều điều kiện mua nhà cho người dân.
Ông Nguyễn Hoàng Nam, Tổng giám đốc G-Home, đánh giá Luật Nhà ở 2023 có nhiều điểm giúp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội, “giải cơn khát” thiếu hụt về nguồn cung nhà ở vừa túi tiền thời gian qua.
Cởi trói nhiều điều kiện
Theo vị này, trước khi luật có hiệu lực (1/8), nghị định hướng dẫn về nhà ở xã hội đã có ngay trước đó. Đặc biệt, việc giải quyết được định khâu định giá đất giúp rút ngắn đáng kể quá trình phát triển nhà ở xã hội.
Ngoài ra, việc cởi trói điều kiện yêu cầu cá nhân mua (vợ/chồng) thu nhập không quá 15 triệu đồng/tháng, bổ sung việc chính thức tính tổng thu nhập 2 vợ chồng không quá 30 triệu đồng/tháng đã tháo gỡ rất lớn cho người dân, cho thấy Bộ Xây dựng và Chính phủ đã lắng nghe ý kiến các chuyên gia.
“Ở các nước phát triển, cứ 5 người thì có 1 người đang ở nhà ở xã hội. Điều này cho thấy tính hợp lý và có cơ sở từ con số 20% theo quy định mà các cơ quản lý đưa ra. Với sự cởi trói mạnh mẽ về luật, tôi mong khi thông tư mới ra đời sẽ giúp tháo gỡ toàn bộ khó khăn, để các chủ đầu tư yên tâm làm nhà ở xã hội”, ông Nam cho hay.
Ông Nguyễn Anh Quê – Chủ tịch G6 Group cho biết hiện nguồn cung quỹ đất chung cư rất lớn như nhà ở xã hội. “Danh sách có 200 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 14 dự án nhà ở xã hội tập trung ở Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Quốc Oai… với hơn 300.000 căn hộ”, ông Quê cho hay.
Có 3 loại quỹ đất hình thành nhà ở xã hội. Thứ nhất là đến từ các chủ đầu tư gom đất ruộng để xây nhà ở xã hội và đang có khoảng vài chục dự án đang trong giai đoạn đã được chấp thuận chủ đầu tư. Thứ hai là đến từ quỹ đất ngày xưa mà phải dùng 20% quỹ đất trả cho thành phố để tạo nhà ở tái định cư và từ năm 2019 chuyển sang nhà ở xã hội. Thứ ba là đến từ 20% quỹ đất để tạo nhà ở thương mại, hiện Hà Nội cũng có vài chục dự án.
“Từ cuối năm 2025, quỹ nhà ở xã hội bắt đầu có, sẽ tầm 4.000 căn trải dài các quận, tầm chục dự án. Năm 2027-2029, quỹ căn nhà ở xã hội và nhà ở thương mại phải lên tới ít nhất hơn 300.000 căn. Như vậy, sau 1/8 khi các các luật thực thi gỡ vướng thủ tục cho chủ đầu tư về nhà ở xã hội, thị trường chung cư sẽ hạ nhiệt”, ông Quê nói.
Đại diện Bộ Xây dựng khẳng định việc nới quy định trong thủ tục hành chính trong mua, thuê mua và thuê nhà ở xã hội cũng như đơn giản các thủ tục trong xác định điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ nhằm rút ngắn thời gian xét duyệt, giảm khối lượng công việc của người dân, doanh nghiệp cũng như các cơ quan công quyền có liên quan.
“Điều này cũng bảo đảm người thu nhập thấp được tiếp cận với nhà ở xã hội, bảo đảm chính sách an sinh xã hội của đất nước. Quy định cũng khuyến khích các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Việc phát triển nhà ở xã hội sẽ đáp ứng được cung – cầu của thị trường, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước”, đại diện Bộ Xây dựng nói.
Bộ Xây dựng cho biết đang hoàn thiện Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở, trong đó có quy định về mẫu giấy xác nhận đối tượng và điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội), bảo đảm hiệu lực đồng bộ với luật.
Sắp giảm lãi suất gói 120.000 tỷ đồng
Bên cạnh việc các luật thực thi từ 1/8, gói tín dụng cho nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng cũng sắp được giảm lãi suất thêm.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết đơn vị đã trình lên Chính phủ sửa đổi gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội với nhiều điểm mới.
Theo đó, mức lãi suất cho vay gói này sẽ giảm 3 điểm % so với lãi suất bình quân của 4 ngân hàng thương mại nhà nước (3 tháng xác định/lần) và kéo dài lên 5 năm ưu đãi thay vì mức 2 điểm % (6 tháng xác định/lần) và 3 năm như hiện nay. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục đề xuất ưu đãi lãi suất tùy theo điều kiện kinh tế lúc đó nhưng vẫn đảm bảo mức giảm tối thiểu 1-2 điểm %/năm. Tuy nhiên, chính sách cho vay với các chủ đầu tư vẫn giữ nguyên như hiện nay.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho biết: “Tính đến nay, gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội mới chỉ giải ngân được khoảng 1%, cho thấy gói tín dụng này vẫn chưa thực sự đi vào đời sống. Đề xuất giảm thêm lãi vay cho người mua nhà là hợp lý.
Tuy nhiên, ông Châu kiến nghị nên sửa đổi gói tín dụng (cho vay) nhà ở xã hội theo hướng lãi suất cho vay phải tương đối ổn định trong vòng 10 – 15 năm, đồng thời, sau chu kỳ 5 năm đầu tiên, nên quy định lãi suất của 5 năm tiếp theo sẽ không được vượt quá bao nhiêu phần trăm.
Ngọc Mai – Báo Tiền Phong