Trong bối cảnh nhu cầu nhà ở không ngừng gia tăng, vượt quá nguồn cung đang hiện hữu thì hàng chục nghìn căn hộ phục vụ tái định cư đã hoàn thiện lại đang bị bỏ hoang nhiều năm nay. Đây được cho là sự bất hợp lý, đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước cần có giải pháp xử lý để tránh lãng phí tài nguyên đất đai, cải thiện nguồn cung, nâng cao chất lượng sống của người dân và phát triển đô thị bền vững.

Theo số liệu từ Hội môi giới bất động sản Việt Nam Chỉ tính riêng Hà Nội và TP. HCM, có khoảng 13.000 căn hộ tái định cư bị bỏ hoang, không người đến ở. Trong đó TP. HCM hiện có 8.948 căn hộ tái định.

Còn tại Hà Nội, số căn tái định cư bỏ hoang khoảng 4.000 căn hộ. Bên cạnh đó, nhiều dự án tái định cư có người dân về ở, nhưng diện tích kinh doanh dịch vụ cũng bị bỏ trống nhiều năm, không có đơn vị nào thuê hoặc sử dụng.

Trước thực trạng trên Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, để giải quyết tình trạng căn hộ tái định cư bị bỏ hoang, cần thực hiện đồng bộ một loạt các biện pháp cụ thể như quy hoạch, chính sách và pháp lý.

Cùng với đó nên nghiên cứu ghép nhà tái định cư và nhà ở xã hội cùng một phân khúc. Qua đó giúp các dự án tái định cư sẽ được tiếp cận nguồn vốn và lãi suất của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để hoàn thiện các hạng mục về hạ tầng, kỹ thuật, hạ tầng xã hội như các dự án nhà ở khác để thu hút người dân đến sinh sống.

Theo các chuyên gia, việc chuyển đổi công năng của khu nhà tái định cư sang nhà ở xã hội là cần thiết để tránh lãng phí. Tuy nhiên, cũng cần phải làm rõ trách nhiệm các bên liên quan để tránh những hệ quả sau này.

Từ năm 2018 đến nay, nguồn cung nhà ở, nhất là phân khúc căn hộ sụt giảm nghiêm trọng.

Theo Hội môi giới bất động sản Việt Nam, số lượng dự án được phê duyệt ngày càng khan hiếm trong khi các dự án đang triển khai cũng chật vật bởi vướng mắc về pháp lý và nguồn vốn.

Vì vậy, tình trạng bỏ hoang nhà tái định cư cần được quan tâm, giải quyết kịp thời để đánh thức loại hình nhà ở này góp phần cải thiện nguồn cung, khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai.

ANTV