Bộ Xây dựng đề nghị bổ sung vào chương trình phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2023 gói tín dụng 30.000 tỷ để xây nhà ở xã hội, nhà cho công nhân.

Theo đề xuất, đây là gói tín dụng tái cấp vốn cho chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, chế xuất. Việc này theo nhận định của Bộ Xây dựng, sẽ góp phần thực hiện mục tiêu kép: vừa đảm bảo an sinh xã hội cho nhóm yếu thế là người thu nhập thấp, công nhân; vừa giúp kinh tế phục hồi, phát triển bền vững.

Một trong những nguyên nhân chính khiến việc sản xuất kinh doanh tại các khu công nghiệp khó khăn, chuỗi cung ứng sản xuất, lao động bị đứt gãy trong Covid-19, theo Bộ Xây dựng, là các địa phương chưa quan tâm đến đầu tư nhà lưu trú cho công nhân, dẫn đến khó đảm bảo thực hiện “3 tại chỗ”.

Để tránh những rủi ro trong tương lai, đồng thời đảm bảo phát triển bền vững, Chính phủ đang giao Bộ Xây dựng hoàn hiện các cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy nhà ở tại các khu công nghiệp.

Với nhà ở cho công nhân, trong dài hạn, Bộ Xây dựng đề xuất giao chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp hoặc các doanh nghiệp khác phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động thực hiện.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Bộ cho rằng quy hoạch các khu công nghiệp phải có quỹ đất làm nhà lưu trú cho công nhân thuê. Trong đó, diện tích sử dụng tối thiểu đảm bảo ít nhất khoảng 10 m2 một người.

Đồng thời, Chính phủ cũng cần có các cơ chế ưu đãi khác khuyến khích doanh nghiệp tham gia. Ví dụ, miễn tiền sử dụng đất; miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi về vốn vay; cho phép hạch toán chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu nhà ở công nhân vào chi phí giá thành hạ tầng chung của cả khu công nghiệp.

Trước mắt, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương rà soát, yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, nghiên cứu dành một phần quỹ đất làm nhà lưu trú công nhân.

Với các khu công nghiệp chưa sử dụng hết diện tích đất công nghiệp, Bộ đề xuất cho chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch để có đất xây nhà cho công nhân. Việc đầu tư sẽ do doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp trực tiếp làm hoặc phối hợp với Tổng liên đoàn Lao động.

Tại các dự án nhà ở xã hội gần khu công nghiệp, Bộ cũng đề nghị Chính phủ, địa phương có các cơ chế, giải pháp hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp tham gia. Ngoài ra, các địa phương cũng cần căn cứ vào điều kiện của mình để ban hành các thiết kế mẫu, thiết kế điển hình với nhà lưu trú công nhân…

Về nguồn vốn, Bộ đề nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa danh mục phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân khu công nghiệp vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025; Xem xét, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để thực hiện chính sách nhà ở xã hội (trong đó có nhà ở công nhân).

Theo ghi nhận của Bộ Xây dựng, cả nước đã có 266 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn. 278 dự án khác với quy mô khoảng 276.000 căn đang được triển khai. Trong đó, 121 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp đã hoàn thành, 100 dự án đang xây dựng.

Trong năm nay, do ảnh hưởng của Covid-19, Bộ cho biết, chưa có dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân được bàn giao.

Đức Minh (Theo vnexpress)