Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa vào Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế – xã hội sau dịch Covid-19 gói tín dụng 65 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân.
Kiến nghị này vừa được Bộ Xây dựng nêu tại văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch Đầu tư về việc đề xuất gói tín dụng hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội (NƠXH) trong Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023.
Cụ thể, gói tín dụng 65.000 tỷ đồng Bộ Xây dựng đề xuất gồm 2 gói. Trong đó, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 sẽ cấp vốn 14.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho các đối tượng khách hàng cá nhân theo quy định của Luật Nhà ở vay để mua, thuê mua hoặc xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà ở theo quy định.
Cấp bù lãi suất 1.000 tỷ đồng cho các ngân hàng thương mại do Nhà nước chỉ định cho các Chủ đầu tư xây dựng NƠXH và cho các đối tượng cá nhân được hưởng chính sách hỗ trợ NƠXH vay theo quy định.
Gói tín dụng 50.000 tỷ đồng (khoảng 25% so với nhu cầu đầu tư xây dựng NƠXH giai đoạn 2021-2025 là 220.000 tỷ đồng) theo hình thức Ngân hàng nhà nước tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định với lãi suất và thời hạn phù hợp để cho các đối tượng thuộc Chương trình vay ưu đãi.
Gói tín dụng này sẽ dành cho công nhân, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp được vay ưu đãi từ Chương trình để mua, thuê mua NƠXH; Chủ đầu tư dự án nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê và chủ đầu tư dự án NƠXH để bán, cho thuê, cho thuê mua cho các đối tượng theo quy định của Luật nhà ở được vay ưu đãi.
Theo Bộ Xây dựng, xuất phát từ thực tế thời gian vừa qua, đặc biệt là từ đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đến nay cho thấy các khu nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp là những khu vực chịu tác động lớn nhất của đại dịch do tập trung đông lao động, nhất là tại các tỉnh phía Nam (trong đó có TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An ..) là các địa phương có nhiều khu công nghiệp, đã chịu ảnh hưởng nặng nề về sức khoẻ người dân, về kinh tế… Do những diễn biến phức tạp, khó lường từ biến thể Delta và các chủng virus mới, dẫn tới nhiều khó khăn trong việc đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch và ổn định đời sống, việc làm của người lao động.
Do đó, việc đầu tư phát triển NƠXH, đặc biệt nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường và sức khỏe cho người lao động là giải pháp hết sức cần thiết nhằm phục hồi sản xuất và kinh tế.
Cũng theo Bộ Xây dựng đưa ra gói tín dụng và cơ chế, chính sách đặc thù trong chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023 sẽ góp phần thực hiện “mục tiêu kép” mà Chính phủ đã đề ra bảo đảm an sinh xã hội – nhà ở cho các đối tượng yếu thế (người thu nhập thấp, công nhân, người lao động trong khu công nghiệp). Đồng thời, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp gắn với hỗ trợ phát triển thị trường bất động sản.
Góp phần thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023 được Chính phủ ban hành tại Nghị quyết số 75 ngày 14/7/2021.
Cần “tiền tươi thóc thật”
Đánh giá về đề xuất gói tín dụng đối với thị trường bất động sản nhiều chuyên gia đồng tình và cho rằng đây là “vốn mồi” cần thiết tạo động lực cho NƠXH phát triển trong thời gian tới.
Từ thực tiễn khi triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng những năm trước đây cho thấy, vai trò của nguồn “vốn mồi” ngân sách là rất lớn đối với việc phát triển nguồn cung nhà ở giá thấp. Tính đến thời điểm kết thúc giải ngân tái cấp vốn cho chương trình (ngày 31/12/2016), doanh số giải ngân của Chương trình là 29.679 tỷ đồng đạt 98,93% số tiền dự kiến, cả chủ đầu tư và trăm nghìn người mua nhà đều được hưởng lợi.
Cùng với đó, gói tín dụng 30.000 tỷ cũng góp phần điều chỉnh cơ cấu sản phẩm của thị trường bất động sản theo hướng ưu tiên phát triển các sản phẩm nhà ở có giá cả phải chăng, đáp ứng nhu cầu thực, hạn chế các sản phẩm bất động sản đầu cơ, giá cả vượt quá mức thu nhập trung bình của người dân. Tạo sức lan tỏa giúp cho thị trường bất động sản tan băng, thông qua đó người dân có thể mua bán, giao dịch bất động sản thuận lợi, cải thiện điều kiện về chỗ ở, đẩy nhanh tiêu thụ hàng tồn kho bất động sản, vật liệu xây dựng, giảm nợ xấu…
Tuy nhiên chuyên gia cũng cho rằng, tương tự gói tín dụng 30.000 tỷ đồng trước đó, nếu đề xuất được Chính phủ chấp thuận thì việc bố trí vốn cần phải được thực hiện nhanh bởi việc chậm trễ bố trí nguồn vốn ngân sách ưu đãi phát triển NƠXH chính là điểm nghẽn lớn nhất khiến hàng loạt các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp tại các thành phố lớn chậm tiến độ và bị đội giá xây dựng, phát sinh chi phí, ăn mòn lợi nhuận khiến các dự án NƠXH không thu hút được doanh nghiệp đầu tư.
Thông tin từ Bộ Xây dựng, theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ từ báo cáo của các địa phương nhu cầu đầu tư xây dựng NƠXH trong giai đoạn 2021-2025 cho các đối tượng là người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp khoảng 294.600 căn, tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng.
Số lượng các dự án đang triển khai thực hiện là 278 dự án , với quy mô xây dựng khoảng 274.000 căn, tổng mức đầu tư khoảng 214.000 tỷ đồng. Đây là các dự án đang triển khai thực hiện nhưng hầu hết chậm tiến độ do thiếu vốn, đặc biệt là sau khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc.
Đề nghị tiếp tục cho khách vay ưu đãi để mua NƠXH Tháng 9 vừa qua, góp ý với dự thảo Thông tư bổ sung, thay thế Thông 25/2015 của NHNN, HoREA đã kiến nghị NHNN vẫn giữ nguyên quy định tại Khoản 3 Điều 6 Thông tư 25/2015 (chỉ bỏ mục đích “thuê”)Cụ thể: Đối với khách hàng vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua NOXH thì mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê mua nhà” vì vẫn phù hợp với chính sách về NOXH của Luật Nhà ở 2014 và Khoản 4 Điều 16 Nghị định 100/2015 và Khoản 4 Điều 16 Nghị định 100/2015 (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 10 Điều 1 Nghị định 49/2021 ngày 1/4/2021).Bên cạnh đó, HoREA cũng đề nghị Bộ Xây dựng xem xét trình Chính phủ đề xuất sửa đổi Khoản 4 Điều 50 Luật Nhà ở 2014 theo hướng bổ sung thêm cụm từ “mua, thuê mua NƠXH” để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của các quy định pháp luật. |
Thuận Phong
(Theo vietnamnet)